Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Những điểm tựa tài chính cho chu kỳ phát triển mới
Giải bóng đá vô địch quốc gia của Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1980, 5 năm sau khi thống nhất đất nước, nhưng phải tới 20 năm sau, giải giải đấu mới bắt đầu vận hành theo mô hình chuyên nghiệp với rất nhiều bỡ ngỡ, thậm chí khủng hoảng. Năm 2022, V.League 1 – tức giải VĐQG – bước sang tuổi 22, cũng là thời điểm giới chuyên môn cho rằng đã mở đầu cho một chu kỳ phát triển mới…
Những vấn đề từ 2 “chu kỳ phát triển” đầu tiên
Như đã đề cập ở trên, bóng đá Việt Nam đã bắt đầu “làm chuyên nghiệp” từ mùa giải 2000-2001 chỉ với 10 CLB tham dự V.League, hoạt động theo cơ chế là những pháp nhân tài chính với hàng loạt quy định mới, trong đó lần đầu được phép thuê ngoại binh. Tuy nhiên, trong 2 mùa giải 2000-2001 và 2001-2002, do bản thân LĐBĐVN khi ấy còn gặp lúng túng trong tìm kiếm đối tác tài chính nên phương thức khai thác thương quyền vẫn theo dạng xã hội hoá một cách… nửa vời. Theo đó, Liên đoàn nhượng toàn bộ thương quyền của giải và các CLB cho đối tác Strata (công ty tiếp thị tài trợ có trụ sở tại Anh), sau đó chia lại cho các CLB. Không ai biết thực tế Strata kiếm được bao nhiêu, chỉ biết rằng dù đã “thầu” cả tên giải lẫn toàn bộ biển quảng cáo tại sân thi đấu của các CLB tham dự, số tiền họ trả lại cho Liên đoàn (rồi chia đều cho các đội bóng) chỉ là 1 triệu USD/mùa. Với việc chỉ nhận được khoảng 1,5 tỷ đồng/mùa giải khi ấy, các CLB đều tiếp tục phải trông chờ nhiều vào “bầu sữa” của các cơ quan chủ quản, nói cách khác, vẫn là cơ chế nửa bao cấp.
Từ mùa giải 2003, cơ chế khai thác thương quyền đã hoàn toàn thay đổi khi các CLB được phép tự khai thác nguồn tài trợ, quảng cáo; trong khi LĐBĐVN tìm kiếm nhà tài trợ chính khác kèm theo tên giải và các thương quyền liên quan (chi trả cho các hoạt động chung của BTC cũng như làm kinh phí giải thưởng). Ngay lập tức, theo ước tính của TTK Phạm Ngọc Viễn ở thời điểm ấy, giá trị thương quyền của giải đã tăng lên gấp hơn 2 lần cho mùa đầu (2003) và gấp khoảng 3 lần cho mùa giải kế tiếp (2004).
Trong bối cảnh “tự thân vận động” tìm nguồn tài trợ, khai thác tối đa thương quyền, một số CLB có nguồn lực tài chính tốt (qua đó trở thành “miền đất hứa” cho các cầu thủ giỏi, cả trong lẫn ngoài nước) đã mau chóng vươn lên, trở thành những thế lực của V.League. Lần lượt Hoàng Anh Gia Lai (vô địch năm 2003, 2004), Gạch Đồng Tâm Long An (2005, 2006) rồi Becamex Bình Dương (2007, 2008) thống trị ở các vị trí cao nhất trước khi SHB Đà Nẵng chen chân vào năm 2009 rồi Hà Nội T&T vươn lên nắm giữ ngôi đầu (2010).
Cũng trong khoảng thời gian ấy, LĐBĐVN – đơn vị tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giải – bị cho là không theo kịp với xu thế phát triển. Nhà tài trợ chính liên tục theo đổi qua từng mùa; hàng loạt scandal tiêu cực xảy ra do cuộc “chạy đua thành tích” của các CLB; bạo lực sân cỏ vẫn là vấn đề nhức nhối… Bởi vậy, một tập hợp các “ông chủ” CLB đã đưa ra ý kiến phải có sự thay đổi phương thức quản lý, tổ chức, điều hành giải theo xu thế của bóng đá thế giới, nghĩa là cần có công ty tổ chức sự kiện riêng cho hệ thống bóng đá chuyên nghiệp VN, và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ra đời vào năm 2012 trên cơ sở góp vốn của LĐBĐVN với các CLB ở V.League và hạng Nhất.
Trong 10 năm đã qua, trong chu kỳ phát triển thứ 2, V.League đã có nhiều thay đổi dưới sự điều hành của VPF, nhưng vẫn còn đấy không ít vấn đề xung quanh cách tổ chức, điều hành của nhiều CLB, trong đó có sự thiếu bền vững về nền tảng tài chính khi quá lệ thuộc vào túi tiền của các ông/bà “bầu” – các chủ doanh nghiệp.
Những vấn đề đặt ra trong chu kỳ phát triển mới
Trước tiên cần thống nhất đâu là cơ sở để nhận định rằng V.League đã bước sang một chu kỳ, chặng đường phát triển mới?
Dấu hiệu đầu tiên chính là sự tiến bộ của VPF trong công tác quản trị, sau khi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp trải qua nhiều lần sửa đổi đã gần như hoàn thiện. Bên cạnh đó, VPF đã liên tục có sự học hỏi từ các mô hình tiên tiến như Bundesliga (giải VĐQG Đức) hay J-League (giải VĐQG Nhật Bản), tổ chức các chuyến đi khảo sát với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các CLB. Các ban chuyên môn, bộ phận chức năng của công ty gần như hoàn thiện, kết hợp với cơ chế phối hợp cùng LĐBĐVN trong cách thức điều hành.
Cơ sở thứ 2 là khả năng tự chủ tài chính khi công ty đã liên tục tìm được nguồn tài trợ với giá trị cao cho các giải đấu, từ V.League 1 tới V.League 2 (tức giải Hạng nhất) và Cúp Quốc gia. Nguồn thu hàng năm trung bình khoảng 100 tỷ đồng đủ để trang trải các hoạt động và nuôi bộ máy. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì COVID-19, VPF vẫn đảm bảo được tài chính với các nhà tài trợ cho các giải của mình (thậm chí, bản hợp đồng mới nhất với công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum kéo dài tới 3 năm).
Cơ sở thứ 3 là hiệu ứng từ sự tiến bộ của các đội tuyển bóng đá quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính tạo nên điều ấy cũng xuất phát từ chính thay đổi trong cách hoạt động của nhiều CLB khi quan tâm hơn tới công tác đào tạo trẻ (thay vì chỉ chiêu dụ tài năng từ CLB khác hoặc các ngoại binh), tạo nguồn tài năng dồi dào cho các đội tuyển. Mối quan hệ 2 chiều đội tuyển – CLB ấy rất đáng được ghi nhận, bởi nó ngày càng theo chiều hướng tích cực hơn, bằng chứng là sự vươn tầm của ĐTQG ở Vòng loại World Cup cũng như gần nhất là chiến thắng của đội U.23 tại giải ĐNA khi liên tục có sự “chi viện” chất lượng để đủ lực đánh bại các đối thủ trong bối cảnh bị mất người vì COVID.
Những cơ sở quan trọng ấy tạo cho giới mộ điệu bóng đá Việt Nam niềm tin vào một chặng đường mới, khi “sức khoẻ” của các CLB cũng đồng thời là điểm tựa cho đội tuyển quốc gia và ngược lại. Nào phải tự nhiên mà hàng loạt CLB như Hải Phòng, Thanh Hoá, SLNA, Bình Định… vốn đang lao đao vì tài chính, nay đã đủ sức đứng vững khi có sự tham gia của các “ông bầu” mới? Vấn đề đáng băn khoăn chỉ là liệu những mối “lương duyên” doanh nghiệp – bóng đá ấy có thật sự lâu dài, bền vững hay không. Điều này phụ thuộc không ít vào sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương trong việc tạo nên cơ chế để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội hoá!.
Lê Hoài