Thể thao dân tộc – Nét đẹp mùa xuân
Mỗi dịp Tết đến, xuân sang, phong cảnh thiên nhiên và các lễ hội nối tiếp nhau lại khiến hành trình du lịch khắp cả 3 miền Bắc – Trung – Nam thêm hấp dẫn.
Một phần không thể thiếu trong những ngày hội được cả người dân lẫn du khách yêu thích chính là thể thao dân tộc.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có ném còn, đẩy gậy, kéo co, các tỉnh đồng bằng chiêm trũng có đấu vật dân tộc, các tỉnh ven sông, ven biển có đua thuyền truyền thống, thuyền rồng, ghe ngho…
Ở đâu cũng tưng bằng các hoạt động lễ hội, thể thao dân tộc, truyền thống được duy trì và khôi phục đã mang đến không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày đầu xuân.
Rực rỡ miền núi: Tung còn, đẩy gậy, kéo co
Đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc, Đông Bắc đón năm mới và tổ chức nhiều lễ hội từ ngay sau Tết Nguyên đán kéo dài tới tháng 3 âm lịch, như lễ hội Gầu Tào Cha, lễ hội Gầu Tào (huyện Phong Thổ); lễ hội Xòe Chiêng (huyện Than Uyên); ngày hội dân tộc Mông (huyện Tam Đường); lễ hội Nàng Han, lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội Bắc Hà, lễ hội Cao Bằng…
Trước đó hàng tháng, tại các thôn bản, khu phố đã rộn ràng không khí chuẩn bị dụng cụ và tập luyện cho các màn thi đấu, biểu diễn trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, đánh tù lu, leo cột, nhảy bao bố… Tham gia sân chơi này, bà con thắt chặt thêm tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.
Trò chơi mà hầu như ai cũng biết là ném còn (hay tung còn) của dân tộc Thái, ném pao (dân tộc Mông). Du xuân miền núi phía Bắc, du khách được thưởng thức ẩm thực đặc trưng và chiêm ngưỡng các điệu xòe nhịp nhàng của đội văn nghệ bản, du khách còn có dịp tìm hiểu về trò chơi dân gian lâu đời và giàu ý nghĩa: tung còn, ném pao. Môn thể thao dân tộc này dùng để giao lưu tình cảm là chính, thể hiện tài năng mắt tinh, tay khéo. Trò chơi rất nhẹ nhàng và có thể kéo dài suốt hàng giờ đồng hồ, đặc biệt thêm thi vị khi có thêm tiếng khèn của các chàng trai H’Mông.
Môn đẩy gậy thì ngược lại, thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của con người. Đẩy gậy là trò chơi lâu đời của người H’Mông, có thể lệ đơn giản nhưng cần người chơi phải bền bỉ và biết chớp thời cơ thật nhanh. Người chiến thắng tuyệt đối trong đẩy gậy sẽ được nhiều cô gái ngưỡng mộ.
Hay trò chơi kéo co, một trò chơi mà sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả có thể tiếp thêm sức mạnh tinh thần rất lớn cho người chơi. Đây là trò chơi và cũng là môn thể thao thể hiện sâu sắc tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của toàn đội (cùng bản, cùng thôn). Tiếng hò reo, tiếng vỗ tay khiến mỗi trận đấu kéo co tràn đầy náo nhiệt, kịch tính. Không chỉ có các đội chơi người H’Mông, người Hà Nhì, người La Hủ, người Lô Lô, người Kinh… thi đấu với nhau, đôi khi du khách cũng được mời vào đội để tăng thêm sức mạnh, niềm vui.
Đua đi cà kheo cũng là môn thể thao dân tộc đem lại nhiều tiếng cười, niềm vui. Người chơi phải giỏi giữ thăng bằng, phối hợp linh hoạt giữa chân và tay, do đó cần có thời gian luyện tập trước. Khi đua cà kheo, người chơi “khoe” được sự khéo léo, nhịp nhàng, đồng thời đó còn là dịp để thi đua xem ai làm chiếc cà kheo đẹp hơn, chắc hơn.
Các môn thể thao dân tộc trong lễ hội không chỉ thể hiện sâu sắc những đặc trưng trong văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của mỗi dân tộc, mà còn giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hằng ngày.
Hồng Hà