Thể thao Điện tử (Esports): Một mình một đường!
Tổng kinh phí theo ước tính ban đầu để tổ chức môn Thể thao điện tử (eSports) tại SEA Games 31 dao động từ 30-40 tỷ đồng. Bởi vậy, ngay từ đầu, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã phải cam kết về việc huy động hoàn toàn kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hoá, đồng thời với đảm bảo khả năng có HCV của môn thể thao này thì mới được đưa vào chương trình thi đấu.
Từ tiềm năng phát triển gần như vô hạn
Tại Việt Nam, eSports đã và đang được giới trẻ chơi và xem rất nhiều. Các trận thi đấu thể thao điện tử trong nước và quốc tế đều được hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem trình chiếu trực tiếp (livestream) trong những trận chung kết. Năm 2019, eSports đã lần đầu trở thành môn thi đấu trong chương trình SEA Games 30 (với 6 bộ huy chương, đội Việt Nam giành được 3 HCĐ). Cùng năm ấy, theo khảo sát của công ty Appota, có 18 triệu người Việt chơi các bộ môn eSports.
Bởi vậy, eSports đang tạo cú hích cho sự phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam khi “khai sinh” thêm rất nhiều “nghề” mới. Ngoài các vai trò tuyển thủ (rất nhiều VĐV có thu nhập rất cao), huấn luyện viên, eSports là một hệ sinh thái khổng lồ quy tụ nhân lực của các công ty quản lý, tổ chức sự kiện, streaming… Thậm chí nội dung số, tài trợ và quảng cáo, cung cấp mạng, cung cấp thiết bị công nghệ… cũng có thêm dư địa để phát triển.
Đặc biệt, những công việc khá “im hơi, lặng tiếng” nhưng vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái của eSports như kỹ sư lập trình game, thiết kế game cũng bắt đầu được chú trọng và đầu tư hơn, tạo tiền đề cho xu hướng đào tạo nguồn nhân lực đặc thù công nghệ cao cho ngành. Các ngành nghề khác như streamer/creators cũng rất phát triển và có thu nhập ổn định cao. Nhiều người còn trở thành những “KOL” có tiếng trong giới trẻ…
Không có gì để nghi ngờ, tiềm năng phát triển eSports tại Việt Nam là rất lớn, nếu không nói là gần như vô hạn, nên việc đưa môn thể thao này vào SEA Games sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc chuẩn hoá tính chất thể thao điện tử, đặc biệt là hỗ trợ cho sự phát triển của bộ môn khi giải toả được băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh: eSports không giống với… chơi game thông thường!
So với 39 môn thể thao còn lại trong chương trình thi đấu của SEA Games, eSports thật sự đặc biệt, vì sẽ là môn duy nhất được tổ chức hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hoá. Hiệp hội Thể thao điện tử – Giải trí Việt Nam (VIRESA) làm đầu mối. Dù vậy, mọi yêu cầu liên quan tới công tác tổ chức đều vẫn phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định chung của BTC Đại hội. Cuộc họp giữa BTC SEA Games với đại diện VIRESA và các nhà phát hành game đã làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề xung quanh công tác chuẩn bị cho môn thi đấu này.
Tới “1 mình 1 đường” trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31
Theo kế hoạch, môn eSports tại SEA Games 31 sẽ được tổ chức từ 13-22/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (NCC) với 10 bộ huy chương thuộc 8 tựa game: Liên minh huyền thoại, Liên quân mobile, FIFA Online 4, Free Fire, LMHT Tốc chiến, PUBG mobile, Mobile legend bang bang và Đột kính. Đây là những nội dung đã được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí về chuyên môn, đa dạng về thể loại, hứa hẹn sẽ tạo nên sức hút đối với các VĐV và người hâm mộ. VIRESA là đầu mối phụ trách các mặt chuẩn bị, bao gồm từ chuẩn bị cơ sở vật chất tới các kế hoạch làm việc với các nhà phát hành, chuẩn bị lực lượng BTC chủ nhà, trọng tài – giám sát chuyên môn quốc tế, cơ sở vật chất và địa điểm thi đấu cũng như các bước chuẩn bị khác liên quan để đảm bảo môn eSports sẽ được tổ chức với chất lượng chuyên môn cao nhất, đảm bảo an toàn và các quy định khác của BTC.
VIRESA đã tổng hợp báo cáo và đề xuất Ban Tổ chức Đại hội về việc thành lập Ban tổ chức môn thể thao điện tử với thành phần có đầy đủ đại diện của các bên liên quan; Đã đề xuất BTC xin phê duyệt chủ trương tự chịu trách nhiệm chi phí hậu cần VĐV đối với tất cả các đoàn VĐV thể thao điện tử tham dự SEA Games 31 (chi phí khách sạn, ăn và di chuyển nội địa), BTC cũng dự kiến sẽ không thu phí đối với VĐV thể thao điện tử các nước.
Về địa điểm thi đấu: VIRESA đã cơ bản hoàn thành thoả thuận về địa điểm thi đấu và bố trí mặt bằng tổ chức thi đấu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia; Lịch thi đấu khung sẽ từ 13-22/5; Các bộ môn sẽ được tổ chức thi đấu song song (đồng thời) tại nhiều sân khấu thi đấu bên trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia (Dự kiến có 4 sân khấu thi đấu chính và một số sân khấu thi đấu phụ). Đến thời điểm hiện tại có 10 nước đăng ký tham dự bao gồm chủ nhà Việt Nam (riêng Đông Timor không đăng ký); Trong đó có Việt Nam và Philipines đăng ký đủ cả 10 nội dung thi đấu. Dự kiến, eSports sẽ có khoảng gần 480 VĐV và HLV tham gia tranh tài tại SEA Games 31.
Về công tác chuẩn bị lực lượng: VIRESA đã và đang phối hợp với các nhà phát hành trong nước tổ chức vòng tuyển chọn các bộ môn tương ứng, qua đó xác lập được thành phần đội tuyển quốc gia tham dự từng nội dung thi đấu. Ban phụ trách đội tuyển quốc gia cũng đã thông qua kế hoạch tập huấn và hoạt động của đội tuyển từng bộ môn, trong đó chú trọng công tác chuyên môn, tổ chức tập luyện và thi đấu cọ xát để hướng tới mục tiêu đạt thành tích cao nhất. Được biết, đội tuyển eSports Việt Nam đã đăng ký mục tiêu tốp 3 toàn đoàn với dự kiến giành từ 5 – 10 huy chương các loại, phấn đấu từ 3-5 HCV.
Để đảm bảo sự chuẩn bị cho công tác tổ chức, cả về chuyên môn lẫn kinh phí, trong thời gian qua, VIRESA đã làm việc với 3 nhà phát hành gồm Garena (Liên minh huyền thoại, Liên quân Mobile, FIFA Online 4 và Free Fire), VNG (Liên minh huyền thoại Tốc chiến, PUBG Mobile và Mobile legend bang bang) và VTC Online (Đột kích – Cross Fire) trong các khâu chuẩn bị, bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, vận động tài trợ để đảm bảo kinh phí tổ chức. Các nhà phát hành, công ty đối tác kể trên sẽ cùng đóng góp kinh phí và nhân lực, sát cánh cùng VIRESA để cùng đảm bảo nguồn lực cho công tác tổ chức.
Nguyễn Huyền