Xây dựng thương hiệu đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam cần làm như thế nào?
Sáng 26/8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Chủ tịch hội đồng đã dự buổi nghiệm thu cấp Bộ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ với đề tài “Xây dựng thương hiệu đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam” do Th.s Bùi Việt Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục TDTT làm chủ nhiệm đề tài. Tới dự còn có, TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN và MT, Phó Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu kết luận.
Tại buổi họp Hội đồng, ThS. Bùi Việt Hà báo cáo về quá trình khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng những yếu tố tạo nên thương hiệu Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam. Để từ đó, đề xuất tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia cần hướng tới và hệ thống giải pháp phát triển bền vững cho thương hiệu Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam.
Theo đó, đề tài gồm có 4 chương
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng thương hiệu thể thao nói chung và Bóng đá nói riêng
Chương 2. Thực trạng xây dựng và khai thác thương hiệu một số CLB Bóng đá chuyên nghiệp và Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam
Chương 3. Xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn cho thương hiệu Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia VN
Chương 4. Giải pháp, lộ trình xây dựng thương hiệu đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt phát biểu.
Đề tài lựa chọn khoảng trống nghiên cứu phù hợp với thực tiễn phát triển của thể thao Việt Nam, khi các nghiên cứu trước đó mới chỉ phác thảo và nhận diện thị trường thể thao nói chung, chưa đi sâu vào các nội dung quản lý thị trường đó như quản lý thương hiệu. Hơn nữa, vấn đề quản lý thương hiệu của Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia đang là vấn đề nóng khi “môn thể thao vua” đang ngày càng khẳng định vị thế trong đời sống tinh thần của người Việt. Đề tài cũng bổ sung cho cơ sở lý luận về thương hiệu, giá trị thương hiệu và cách thức xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực thể thao. Đây là điểm sáng đóng góp cho lý luận về khoa học kinh tế và khoa học quản lý nói chung và kinh tế, quản lý thể thao nói riêng.
Quá trình nghiên cứu đã điều tra khảo sát đánh giá thực trạng việc xây dựng và khai thác thương hiệu đối với một số Câu lạc bộ Bóng đá chuyên nghiệp và Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam. Qua đó chỉ ra rằng, việc xây dựng thương hiệu cho các đội bóng chuyên nghiệp cũng như Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Việc hình thành ngẫu nhiên thương hiệu còn mang tính tự phát do thành tích của các đội bóng đạt được trong các giải đấu đem lại, nên chưa khai thác được hết giá trị thương hiệu của Đội tuyển.
Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bùi Việt Hà báo cáo đề tài
Tuy còn một số hạn chế cần chỉnh sửa song đề tài được Hội đồng, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao tham dự đánh giá là công phu, đủ hàm lượng khoa học, có giá trị thực tiễn cao, kết cấu các chương, mục rõ ràng đúng quy định của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Kết quả Hội đồng nhất trí 07/07 (100%) thành viên Hội đồng đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiệm thu kết quả nghiên cứu sau khi đã chỉnh sửa đề tài theo kết luận của Hội đồng.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đề tài đã thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ nghiên cứu được Bộ giao; đánh giá đây là đề tài mang ý nghĩa rất lớn được nhóm nghiên cứu xây dựng công phu, đảm bảo hàm lượng khoa học. Vì vậy, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Bộ tập hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng cho Chủ nhiệm đề tài để gấp rút hoàn thiện trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho rằng đề tài có thể nâng lên đề tài cấp Nhà nước để áp dụng rộng rãi cho việc xây dựng thương hiệu cho các đội tuyển bóng đá quốc gia và đội tuyển các môn thể thao khác.
Bùi Lượng